Hành trình đi tìm bí thuật sống lâu sống khỏe

Cuộc truy tìm bí thuật sống lâu và sống khoẻ của tôi khởi đầu cách nay chừng 20 năm. Tôi đã lưu lại tất cả các bài báo nói về tuổi già, các triệu chứng lão hoá, những nguyên nhân làm xơ cứng các mô, những chứng bệnh kỳ lạ làm con người mỗi năm già đi 10-15 tuổi, những trường hợp ngưng lão hoá sau cơn bạo bệnh, hôn mê kéo dài…

Tôi cũng đã gặp hàng trăm cụ từ 60-70 đến trên 90 tuổi tập dưỡng sinh tại các công viên và những lão võ sư trong Ban cố vấn Hội võ cổ truyền Tp. HCM: Huỳnh Khánh Hội, Phạm Cô Gia, Trần Tiến. Tôi đã tiếp xúc các nhà tu hành, được người đời xưng tụng là đắc đạo, tuy tuổi cao mà da mặt luôn tươi nhuận, hồng hào, không một nếp nhăn.

Với tất cả các bậc trưởng lão đó, tôi chỉ đặt ra mỗi câu hỏi: “Đâu là bí quyết sống lâu và sống khoẻ?” Và câu trả lời đầy đủ nhất, bao quát nhất tôi đã nghe được trong lần nhàn đàm với giáo sư thạc sĩ y khoa Ngô Gia Hy.

Bí quyết sống lâu và sống khoẻ của giáo sư Ngô Gia Hy

Một hôm, nhân lễ phát văn bằng của đại học dân lập Hùng Vương, tôi ngồi bên cạnh giáo sư Ngô Gia Hy. Ở tuổi gần 90, giáo sư vẫn không ngừng hoạt động trí tuệ và luyện tập khí công. Câu chuyện xoay quanh việc đẩy lùi tuổi già bằng khoa học hiện đại. Tôi hỏi giáo sư về bí quyết sống lâu và sống khoẻ của ông. Giáo sư vui vẻ đáp: “Thứ nhất là luôn luôn vui tươi, lạc quan, tích cực. Thứ hai là có cũng được, không có cũng được”.

NgoGiaHy BuiTheCan Hành trình đi tìm bí thuật sống lâu sống khỏe


              GS Ngô Gia Hy (phải) và GS Bùi Thế Cần

Theo đại sư Tohei Koichi, sáng tổ môn phái Shin Shin Toitsu Aikido (Thân tâm đồng nhất Hiệp Khí Đạo), sự hợp nhất tinh thần và thể xác là chủ yếu để phát huy được tối đa năng lực của mỗi con người. Trong sự hợp nhất đó, tinh thần phải chủ động. Một tinh thần luôn tươi vui, lạc quan, tích cực sẽ giúp cơ thể vượt qua nọi khó khăn, tự điều chỉnh các trục trặc, khai thông những bế tắc của khí huyết… Điều này cũng phù hợp với những phát hiện mới nhất của môn Điều chế học (cybernétique). Một tinh thần mạnh mẽ, hưng phấn không những chỉ có khả năng phòng bệnh mà cả trị liệu.

“Có cũng được, không có cũng được” là một ý niệm triết học đơn giản, nhưng áp dụng vào cuộc sống đời thường không dễ, vì con người vẫn là nạn nhân của tham, sân, si, thất tình, lục dục…

Phần còn lại của bí quyết sống lâu và sống khỏe là biết sống điều độ. Giáo sư Ngô Gia Hy cho biết thêm: “Tôi thường đi ngủ vào lúc 20 giờ 30, đến 4 giờ sáng thì thức dậy và làm việc. 6 giờ bắt đầu tập khí công”. Giáo sư thường dành 45 phút để luyện tập khí công và Thái cực quyền; trong đó khí công chiếm 30 phút và Thái cực quyền 15 phút. Mỗi ngày luyện công 2 lần, vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều.

Và một điều cuối cùng mà giáo sư Ngô Gia Hy không ngớt nhắc đi nhắc lại: “Không bao giờ được ngơi nghỉ, phải làm việc bằng trí não, càng làm việc thì đầu óc càng thông tuệ, sắc bén. Trí óc ta với hàng tỷ tế bào thần kinh, giống như một con dao, phải được mài dũa mỗi ngày, nếu không sẽ bị rỉ sét”.

Bên cạnh hoạt động trí não thường xuyên còn phải có thú đam mê giải trí (hobby). Tôi đã vô cùng kinh ngạc khi được giáo sư cho xem bộ sưu tập khổng lồ của mình về bưu hoa. Tem được xếp theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ và theo đề tài với đầu óc của nhà khoa học, tinh vi, tinh tế đến kỳ lạ. Tôi tự hỏi không biết ông lấy đâu ra thời gian để làm công việc sưu tập, ghi chú, phân loại, đối chiếu này. Giáo sư ngỏ ý muốn tôi chọn một con tem trong loại “tối hiếm” (rarissime) của ông. Tôi chợt hiểu ý của câu: “Có cũng được, không có cũng được”.

Bác sĩ Tom và “cô gái yểu điệu thục nữ”

Chúng tôi ngồi ở sân thượng khách sạn Majestic nhìn xuống sông Sài Gòn. Tàu phà xuôi ngược trên sông trong ánh sáng rực rỡ của buổi sáng mùa xuân ấm áp. Bác sĩ Tom tự giới thiệu như là một nhà lão hoá học (gerontologue). Tuy đã quá tuổi “cổ lai hy”, song phong thái của ông trẻ trung như người ở tuổi 40. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông nói với tôi:

– Đấy, anh xem.

Tôi ngoảnh lại. Một thiếu nữ trong chiếc quần short kaki và áo sơ mi trắng hở cổ đến ngồi bên cạnh Tom, đối diện với tôi. Làn da trắng mịn và môi hồng tự nhiên. Không son phấn và hầu như không trang điểm, trừ một ít mascara trên hàng mi đen nhánh.

– Ciao! (Chào!).

Giọng Ý chính tông, không nhầm được, duy có điều là hơi trầm và khàn đối với một cô gái chỉ khoảng 24-25 tuổi. Thế nhưng tôi đã sửng sốt khi biết cô thực sự là… bà, vì đã xấp xỉ 50 và là một tỷ phú, chủ một công ty lớn của Mỹ. Trong khi Helena (tên thân mật của bà) đang ngồi đây thì tại một điểm nào đó trên biển Égée, chiếc du thuyền của bà đang thả neo chờ đợi. Tom là bác sĩ, săn sóc viên, tùy viên liên lạc và quản gia du thuyền của Helena. Theo Tom, dù bề ngoài có vẻ yểu điệu thục nữ, Helena có một ý chí sắt đá.

Trẻ, khoẻ và đẹp ở tuổi 50

Bí quyết để giữ gìn tuổi trẻ, sức khoẻ và sắc đẹp của Helena, theo Tom, nằm gọn trong một từ: “Topothérapie”.
Tôi cau mày, thắc mắc. Với đôi mắt cười cười hóm hỉnh, Tom đột ngột hỏi:

– Anh có nhận thấy là mấy anh chàng phi công đường dài có vẻ trẻ hơn người bình thường cùng lứa tuổi không? Anh có biết là mấy người đó được miễn nhiễm một số bệnh vốn là những bệnh thường kỳ nơi những người cuốc bộ suốt đời như phong thấp, hen suyễn, đầu thống… Anh chỉ cần thay đổi độ cao là một số vấn đề tự nó có thể giải quyết…

Tom giải thích là sau khi học y khoa, anh đã nghiên cứu châm cứu, lý thuyết âm dương ngũ hành, sự vận hành của khí trong con người, sự kích thích của điện trường và từ trường trên cơ thể, ảnh hưởng của khí áp đối với con người, tác động của ngoại cảnh (màu sắc, âm thanh, ánh sáng…) của độ cao trên sức khoẻ…

Anh ta đề cập đến Yoga, Thiền học, án ma pháp của Cốc Đại Phong, phương pháp cấy nhau của Philatov, phương pháp tiết thực của vùng Nepal, phép ăn hoa quả, ăn chay giúp nội tạng giảm tiêu hao công sức và năng lượng, và phương pháp trị liệu bằng âm nhạc (musicothérapie), hoặc bằng hải dương (thalassothérapie). Phần lớn các phương pháp trên đều được Tom và Helena áp dụng một cách có hệ thống theo một trình tự rất thích hợp và khoa học.

Vừa lắng nghe những lời phân tích, lý giải khoa học và siêu khoa học của Tom, tôi vừa ngước mắt nhìn Helena. Cô ta nhìn lại tôi, nụ cười quyến rũ kỳ lạ.

– Thế còn topothérapie? Tôi hỏi.

– Là trị liệu và phòng ngừa bệnh tật bằng cách đi từ địa vực này đến địa vực khác trên trái đất, tìm những vùng đất thích hợp với tâm thể của mình do khí hậu, thời tiết, khí áp, cảnh trí, nhân văn…

Tom rành tất cả các vùng đất có suối nước nóng với các đặc tính riêng của từng địa danh, những miền có tỷ lệ cao nhất về người cao tuổi tại các châu lục, những ngọn núi được xem là linh địa của mỗi quốc gia… Tôi hỏi Tom:

– Topothérapie có thể áp dụng cho một tỷ phú, còn người nghèo thì sao?

Anh cười đáp:

– Anh đã đi hết đất nước của mình chưa?

GS Bùi Thế Cần

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>