Mẹ trẻ bị nhà chồng cấm cho con bú, bị đay nghiến vì một lý do khiến ta phải phẫn nộ
Ai cũng biết phận làm dâu một thân một mình giữa đất khách quê người, rời khỏi vòng tay mẹ cha chỉ vì một người đàn ông xa lạ, những mong người ấy sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho mình, khi bị trở mặt sẽ vô cùng đau khổ. Nhưng một người phụ nữ có học, có kinh tế riêng, đã là mẹ của một đứa trẻ mà yếu đuối, nhu nhược như vậy thì khó lòng có được hạnh phúc.
Các cụ vẫn bảo, thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo. Mối quan hệ muôn thuở mẹ chồng – nàng dâu là minh chứng rõ nhất cho điều này. Nàng dâu nào cũng ám ảnh trong đầu những chuyện như bị mẹ chồng soi mói, chì chiết, mắng mỏ, tối ngày tranh cãi với con dâu những chuyện vụn vặt. Một khi đã bị mẹ chồng ghét, gặp phải bà mẹ khó tính nữa thì hỡi ôi, tấn bi kịch chẳng bao giờ có hồi kết, cố gắng đến mấy cũng bị kiếm cớ mắng mỏ mà thôi.
Bị mẹ chồng mắng vì những chuyện lặt vặt hàng ngày còn đỡ, đã có ai rơi vào cảnh éo le cùng cực như nàng dâu dưới đây chưa? Chẳng may mắc phải căn bệnh viêm gan B, cô ấy đã khổ sở mệt mỏi lắm rồi, nhưng địa ngục thực sự bắt đầu khi cô bị cả nhà chồng phát hiện ra, để rồi họ hắt hủi, cư xử tệ bạc, thậm chí người chồng đầu gối tay ấp cũng mạt sát cô không tiếc lời. Những dòng tâm sự đắng cay vừa được đăng tải trên một diễn đàn lớn đã lập tức nhận được sự đồng cảm sâu sắc của cư dân mạng.
“Vì viêm gan B mà em bị nhà chồng trở mặt…
Em gọt hoa quả vô tình bị đứt tay nhưng mẹ chồng cứ đứng nhìn rồi cười khẩy: “Chạm vào máu của mày có mà tao bị lây viêm gan B giống mày à”. Em mím chặt môi để không khóc, bịt chặt chỗ vết thương để cho máu không thể chảy ra. 4 tháng nay kể từ ngày sinh em bé cũng chính là ngày em sống trong địa ngục, bị cả gia đình nhà chồng xa lánh, hắt hủi, vì em mang trong mình căn bệnh viêm gan B.
Con được 4 tháng cũng là 4 tháng mẹ sống trong đau khổ, căng thẳng vì ở chung nhà mà không được gần con. (Ảnh minh họa)
Còn nhớ ngày em đi làm xét nghiệm để sinh thì mới biết em bị viêm gan B. Bản thân vừa bất ngờ, vừa sợ và buồn lắm khi biết mắc bệnh. Vì sợ gia đình nhà chồng xa lánh nên em đã giấu không nói với ai. Nhưng ngày chuyển dạ sinh con bé thì bí mật đó đã không thể nào giấu được nữa.
Cả gia đình nhà chồng xì xào bàn tàn bảo em là con bé bị bệnh truyền nhiễm… Đau vì vết mổ một thì những câu nói đó còn khiến em đau gấp trăm lần. Mặc cho bác sĩ nói con có thể bú mẹ nhưng mẹ chồng kiên quyết không cho con em bú sữa mẹ.
Bà tàn độc nói: “Cho nó bú sữa của đứa bị viêm gan B để cháu tôi cũng bị giống con mẹ nó à?!”. Nhìn con khóc ngặt nghẽo đòi sữa trong khi ngực em căng tức mà em bất lực chỉ biết nắm chặt hai tay đến tím tái. Mẹ chồng em không cho con tiếp xúc nhiều với em, chỉ lúc nào nhớ con quá đòi thì bà mới cho em bế. Bà bắt em đeo khẩu trang, mặc kín mít để bế con. Mẹ chồng em làm như em bế con, hít thở chung bầu không khí thì con cũng sẽ lây bệnh.
Con nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài nên rất tốn kém. Lần nào xin chồng mua sữa cho con thì mẹ chồng em đều lại đay nghiến: “Hạng mẹ khuyết tật, có cái ti cho con bú cũng không nên thân”… Lúc đầu nghe những câu nói của bà em còn buồn còn tủi, nhưng lâu dần em gần như miễn dịch với tất cả những câu nói ấy”.
Mẹ chồng nhất quyết không cho tôi lại gần con, không cho bé bú mẹ, vì sợ lây bệnh. (Ảnh minh họa).
Đọc đến đây, bất cứ ai đã làm mẹ đều cảm thấy tức giận ngùn ngụt. Mẹ chồng là ai mà có quyền tước đi thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ tội nghiệp ấy? Có cơ sở khoa học nào nói rằng mẹ viêm gan B thì không thể cho con bú? Đứa trẻ vừa mới lọt lòng, còn chưa kịp nhận ra hơi ấm của mẹ, chưa một ngày được nếm giọt sữa mát lành của mẹ, đã bị tước đi, cách ly với mẹ ruột trong sự ghẻ lạnh thiếu hiểu biết của những người thân khác trong gia đình. Với người mẹ ấy, có lẽ chẳng nỗi đau nào lớn hơn.
Người mẹ trẻ ấy, hẳn là đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác. Thà bị đối xử tệ nhưng vẫn được ôm con trong tay, chăm cho con từng miếng ăn giấc ngủ, còn hơn là vật vã trong căn phòng riêng với sự giam cầm vô hình, không thể chạm vào con, không thể âu yếm làn da non nớt, ngắm gương mặt xinh xắn của con khi ngủ. Nghe tiếng con khóc ngằn ngặt vì đói sữa cũng không được phép lại gần, áp đôi môi bé bỏng của con vào bầu sữa nóng đầy tình yêu thương. Nếu là người khác, có lẽ đã phát điên từ lâu, vậy mà bà mẹ trẻ vẫn chịu đựng được. Có lẽ sống trong sự kỳ thị của gia đình nhà chồng đã khiến cô kiên cường như thế, khiến ai cũng cảm thấy xót xa.
Niềm hạnh phúc tưởng như người mẹ nào cũng được trải nghiệm, mẹ trẻ này thì không. (Ành minh họa)
“Trong sinh hoạt hàng ngày, em gần như riêng biệt. Ăn riêng, giặt quần áo riêng… Có lần em nấu canh, nhỡ cho đầu đũa vào mồm nếm thử xem cho gia vị đủ chưa thì mẹ chồng lập tức mang nồi canh cà tím hì hục nấu cả tiếng đi đổ. Rồi đun nước sôi cái xoong đó để tiệt trùng.
Nhưng có lẽ điều đó với em nó không độc ác bằng việc chồng em nguyền rủa em đã lây bệnh viêm gan B sang cho anh ấy. Từ ngày nhận kết quả dương tính với viêm gan B, anh thay đổi hẳn thái độ với em. Bữa nào chồng uống rượu say về lại chửi mắng, đánh đập em. Mẹ chồng nhìn chồng đánh còn hô hào cổ vũ “Đánh cho chết đi”.
Nước mắt em cứ đua nhau chảy ra mà không thể nào kìm lại được. Nhìn vết bầm tím còn nguyên trên da mà em không cam lòng. Em có đáng phải nhận tất cả những điều đó hay không? Nhìn đôi mắt trong veo của con mà lòng em lại càng thêm nặng trĩu, giá như không có con thì em sẽ dễ dàng bước ra khỏi ngôi nhà này hơn”.
Một người đàn ông đã phải thốt lên đầy thương tâm sau khi đọc hết những lời khóc than của người mẹ tội nghiệp: “Nếu tiếp tục thì với sự ghẻ lạnh đó, anh chẳng hiểu đến khi nào em mới cảm nhận được hạnh phúc. Rồi con em khi lớn lên, thấy em bị bà và bố nó đối xử như vậy nó sẽ cảm thấy như thế nào? Mà anh cảm giác họ sẽ chỉ càng ngày càng đối xử tệ bạc với em hơn thôi. Liệu em có nghĩ đến việc một lần dũng cảm từ bỏ, chứ sống trong cô đơn hắt hủi như vậy em sẽ phát điên lên mất cô gái ạ”.
Tâm sự của mẹ trẻ thu hút sự quan tâm của dân mạng.
Vô số chị em đã làm vợ làm mẹ tỏ ra thấu hiểu, cảm thông sâu sắc với cảnh ngộ của người mẹ ẩn danh nói trên, ngậm ngùi an ủi: “Không tin được lại có thể đối xử với nhau như thế. Khoan nói về con dâu mẹ chồng, nói đến con người với nhau thôi đã không thể chấp nhận được rồi”; “Bạn ơi mình là con gái của bố mẹ, bố mẹ vất vả nuôi mình không phải để đến bây giờ mình bị người ta đối xử tàn nhẫn như thế, bất công với cha mẹ mình và cả bản thân mình lắm. Thời buổi này mẹ đơn thân nuôi con không phải là hiếm hoi gì nữa. Cất bước ra khỏi cái nhà đấy có lẽ bạn sẽ hạnh phúc hơn đấy”.
Bên cạnh những lời xui người mẹ trẻ ấy nên dứt áo ra đi, giải thoát chính mình khỏi cái nơi u ám hơn ngục tù – từng là căn nhà mà cô đã lựa chọn để gắn bó ấy, cũng có người cho rằng, người mẹ trẻ quá nhu nhược, không biết tự bảo vệ mình, thì dù có độc lập về kinh tế cũng khó mà làm mẹ đơn thân được.
Ai cũng biết phận làm dâu một thân một mình giữa đất khách quê người, rời khỏi vòng tay mẹ cha chỉ vì một người đàn ông xa lạ, những mong người ấy sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho mình, khi bị trở mặt sẽ vô cùng đau khổ. Nhưng một người phụ nữ có học, có kinh tế riêng, đã là mẹ của một đứa trẻ mà yếu đuối, nhu nhược như vậy thì khó lòng có được hạnh phúc.
Danh tính của người mẹ không được tiết lộ, câu chuyện cũng buồn thảm đến mức nhiều người nghi ngờ tính xác thực của nó, nhưng hiện nó vẫn được chị em chia sẻ chóng mặt và bàn luận rôm rả. Nhiều người hy vọng, đây chỉ là câu chuyện hư cấu hoặc nói quá, chứ ở thời công nghệ thông tin ở khắp nơi, search mấy phút là ra thông tin bệnh mà có người bị đối xử như vậy thật thì buồn lắm.
Lynk / Theo Thời đại