Giống và khác nhau trong quyền thuật Việt Nam & Trung Hoa
Phép hiểu Quyền cần phải nắm vững tinh thần của nó. Đó là cái cốt lõi của thuật nhu hoà, của đường lượn, tính biến thiên, phép quy tụ… Không thấy hết tính độc đáo của môn công, sự khác nhau giữa kỹ thuật đi Quyền với hình thức tập luyện khác, những đặc điểm du hấp lực, những kỹ năng vận động đặc môn, thì người tập thật khó có thể lĩnh hội được cái kết quả như mong ước.
Ngoài ra thuật luyện Quyền còn đòi hỏi những phẩm chất riêng mang tính tự thân, ở ý chí, ở khả năng lĩnh hội và cách xử thế trong các tình huống cụ thể, những cảnh vận động nội tại, tâm hồn của mình như những cánh cửa bốn mùa đón gió, đầu để trần, chân tiếp đất, đêm nằm trên nền cứng gắn với thiên nhiên, hoà một phần đời sống của chính mình với thiên nhiên.
Trong những lần trao đổi với các chú, các bác đồng nghiệp, điều tâm đắc là tôi lĩnh hội được tinh thần này qua các ví dụ và mẩu chuyện thật đơn giản mà ý vị.
Chẳng hạn bàn về thuật hấp lực, các vị nói : “ Nước nuốt được tảng đá lớn là vì biết nhường, lau sậy nhún mình chẳng bao giờ bị đổ “.
Hoặc :” Dùi đánh mãi cũng chẳng thủng được mặt trống, nhưng mũi lao nhỏ xuyên nó thật dễ dàng “.
Chứng kiến cảnh khắc cung của người nông dân vùng Thanh Nghệ , tôi càng thấm thía ý nghĩa sâu sắc của tinh thần trên, thật thú vị khi thấy cùng một lúc 3, 4 người đứng cách 50 bước chân giương cung bắn liên tiếp vào một chàng trai tay chỉ cầm một nhành tre nhiều nhánh rung mạnh, thế mà không mũi tên nào bén gót.
Khi hỏi kỹ về nguyên lý này, một cụ nói” Xung lực càng nhanh, hiệu công càng mạnh, ví như vật nặng được buộc vào dây mềm mà quẳng vậy “.
Tất nhiên nên hiểu cương nhu như hai vật khác nhau cùng soi chung vào hồ nước, chỉ những lúc mặt nước xáo động và càng xáo động, hình thể của hai vật trên mới bị trộn lẫn vào nhau, thậm chí tan biến vào nhau.
Như vậy, phép biến giải về quyền là nghệ thuật linh động, hợp thức và công phu, giống như người nghệ sĩ điều khiển cây đàn. Không chỉ biết gẩy mạnh , gẩy nhẹ mà quan trọng hơn là phối hợp các âm thanh tạo nên tiếng nói đồng điệu và giao cảm.
Thuật cương đối cương, nhu đối cương, thuật thân đảo du hấp lực, thuật chủ lơi hậu áp… đều đòi hởi một quá trình chuyên luyện theo tinh thần áp đặt chặt chẽ. Có như vậy mỗi bài quyền đều chứa đựng một tinh thần riêng, không thể lặp lại theo kiểu xáo trộn, tính thứ tự của chiêu thức, hay các phổ hợp du đảo, phối thuộc để có thể tự coi là đã sáng tạo được một bài Quyền hoàn chỉnh.
Tinh thần cương đối cương, đòi hỏi tính tốc độ, tính chuẩn xác, tính đanh chắc của thế đánh, thế tấn… thế phối hợp nhanh, gọn, rắn trong quan hệ phát chiêu liên hoàn. Người tập không nhất thiết đòi hỏi sự mềm mại, khéo léo và khả năng cảm dính đặc biệt. Nhưng ngược lại, tinh thần của bài Quyền thuần cương đòi hỏi người luyện phải thực sự có bản lĩnh ngoan cường, ý chí bền bỉ và sự tuân thủ gần như máy móc các yêu cầu của bài tập.
Trong khi đó tinh thần nhu đối cương, nhu-cương-nhu lại đòi hỏi một phương pháp tập luyện hoàn toàn khác, con đường của thuật nhu hấp lực ngoài yêu cầu đương nhiên phải có một khung tấn, khung tay hợp lý, khuôn nét thì điều quan trọng hơn là khả năng nhận cảm – linh ứng của toàn bộ các phần của cơ thể sao cho khi tiếp chiêu phải giác được tốc độ và tiêu lực các đòn công một cách hữu hiệu. Nghĩa là không chỉ chuyển hiệu năng thành công năng mà còn tận dụng lực đánh của đối phương để đả đối phương.
Do vây, thuật tập các bài quyền nhu công đòi hỏi người chuyên luyện phải có trí nhạy cảm và suy tưởng các đòn thế theo tinh thần trước sau, đặt mình cảm biến và nhập cuộc để hoá thân mềm mại như thế uốn đớp của con rắn , trăn ; thế chao đảo , vờn bắt của khỉ, vượn… nguyên lý đường cong và tính liên giác phức tạp của bài quyền nhiều khi thật mơ hồ, gây cho người tập ở thời kỳ đầu có tâm lý vô vọng, chán nản khó tiếp bắt.
Nhưng thêm ngày, trượt qua tâm trạng nôn nóng để bình lặng, tin tưởng , tiếp nhận tinh thần môn công, nhận ra tính khoa học chặt chẽ và ma lực ứng dụng của nó qua thuật du đảo thân, xoay trượt tấn, thuật lăn cổ tay, thuật xung tiêu lực, thuật tiếp vít theo hướng đánh, thuật thuỷ chùng lơi tấn… Chúng ta sẽ bị hút vào một thế giới mê trận không có giới hạn để đi đến nhiều chân trời của ánh sáng và tinh thần siêu thoát. Niềm vui này ở một khía cạnh hẹp của xã hội, có tác dụng không ít cho nhiều người tránh được sự bế tắc, cô đọc trong đời sống – tự mình tìm ra lối thoát và cởi mở tâm hồn.
Ngoài môn phái, việc tìm hiểu thêm tinh thần này qua một số thủ pháp riêng của võ Việt Nam, mà cụ thể và chủ yếu là thông qua các bài quyền, tôi càng thấy võ ta có, và có cái riêng. Tính chất bao trùm này được dự cảm trước , lồng chứa như một nét chủ đạo chi phối ngay từ quan niệm ý thức cải biên, sáng tạo ở người thầy dạy võ.
Kỹ thuật: “ Vuốt tỳ nhãn “, “ Văng cột tấn “, “ Vả hà bàn “ của vùng võ Yên Thế là kết quả có được của bao đời nhằm chống lại các thế đánh trường đao, trường thương, trường quyền của người Trung Quốc. Ngay như thế: gồng, bốc, vét của vùng vật Hà Tây, vùng võ Liễu Đôi cũng là một biến tướng của kỹ thuật “ Lăng xà võ “ , “ Nơm úp “ của đất võ Thái Bình, xứ Nghệ, thể thức này có khả năng khắc chế các môn công, trụ bán, đánh lấn đòn của dòng võ vùng Quảng Đông, Quảng Tây …
Ngay binh khí, một phần biểu ngẫu của thuật luyện quyền cũng chứa đủ tinh thần “ Nê công “ (1) và truyền thống luyện võ kiểu “ làng xã “ của người Việt . Chất dân gian thực dụng ngưng đọng trong các hiện vật khai quật ở mỗi từng văn hoá, từ Đông Sơn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến thời Đinh, Lý , Trần, Lê… từ vũ khí đánh gần: dao găm, kiếm ngắn ; lưỡi thô, dày nặng , đến vũ khí đánh xa: cung nỏ, lưỡi qua đồng, giáo lao… so sánh chủng loại binh khí này với một số chủng loại binh khí của người Trung Quốc như: xích, chuỳ, bát xà mâu, việt phủ, kiếm dài… chúng ta càng nhận thấy nét riêng của thủ pháp đánh cận đòn có hiệu quả của người Việt nhằm chống lại lối công ồ ạt, giáp lá cà của một đội quân có thể vóc to lớn, người đông, có trường thương. Hoặc tìm hiểu thêm những khí đạo tập luyện: từ cối đã xách tay , bể bùn tập tấn, nhuỗi trận dồ tập đối đòn… Chúng ta càng có quyền tự hào với trí tuệ tích luỹ từ ngàn năm của tổ tiên, biết dựa vào mỗi cảnh, sinh kế và công cụ thuận tay để gom đúc tạo nên sức mạnh cho mình.
Việc chao múa loạn ngẫu, kèm theo những tiếng thét man rợ, những động tác gợi nên hình ảnh quái đản, đe nẹt là có thực ở các môn võ cổ xưa của người Việt. Hình thái nguyên sơ thậm chí chỉ dừng ở hình thức bắt “ nhại “ một số giống vật, chính là bản năng sinh tồn của muôn vật, của kẻ yếu chống kẻ mạnh. Thực ra việc làm rối loạn gây hoang mang hốt hoảng cho kẻ địch ở phút choáng ban đầu thực có kết quả. Khoa tâm lý trong thi đấu thể thao hện đại cũng không thể phủ nhận được tính tích cực của hiện tượng tâm lý nêu trên. Võ Hét của vùng Nghệ An, Thanh Hoá ngày nay còn bảo lưu được khá nhiều phương thức tập, là hiện thân của kỹ thuật này.
Nhờ nghiên cứu Phật giáo ở ta và điêu khắc đình làng, dần dần tôi cũng mới nhận thấy nét riêng đặc trưng của tinh thần này. Điều đó thật giống như tỷ lệ tượng Phật của người Việt Nam so với tỷ lệ tượng Phật của người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Ấn Độ, người Cam-pu-chia… ngay nét mảng chỉ tìm hiểu thuần tuý dưới góc độ đồ hoạ, khi tác chúng từ các bản dập qua phù điêu, hoạ tiết trên vì kèo, bệ đá, bệ thờ… chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nét tư duy độc đáo, rất riêng của người Việt.
Như vậy, cũng như nghệ thuật cổ Việt Nam nói chung, võ ta có thể khái quát làm thành 3 yếu tố hợp thành sau đây:
+ Có nguyên tắc nhưng không bị câu nệ ;
+ Hướng về hiệu quả chứ không bị khuôn thức của hình thức trói buộc ;
+ Vươn đến cá tính với giá trị nhân bản riêng.
So sánh một số môn công của người Trung Quốc với võ ta : Thế lăn khiên với địa đàng quyền ; câu liêm thương, mồng rựa với thế đánh của bát xà mâu, việt phủ ; trung bình tiên để nguyên cành với lưỡi xích đao, thiên truỳ khích… chúng ta cũng tự rút ra một số nhận xét khái quát sau :
Một là, thế tấn của các môn võ ta thường lấy năng động làm gốc, không chủ trương hoàn toàn bám đất và trầm kín giữ thân ( tấn của ta bồng bềnh dễ lơi, dễ xoay trượt chứ không đanh chắc ).
Hai là, thế võ của ta thường tạo ảo giác chủ công, nhưng kỳ thực là giả công ; dùng đòn liên thủ để khắc công, chống công.
Ba là, thế tay và đòn tay của võ ta thường bao chứa thuật hợp binh công tiễn, lấy thủ hào làm gốc, không ồ ạt tiến công, không có quy tắc khuôn thước.
Bốn là, cơ thể bé, chân ngắn tay ngắn nên thủ thế, thủ công của võ ta thường dùng kỹ thuật đánh đoản đòn ; lấy di, ép, trượt, bám , xoay làm chính, không vươn cao, vươn xa áp đảo.
Năm là, thuật di chuyển của võ ta thường bất ổn. Lấy thuật nghi binh , tiến thoát vô hình làm gốc, không chịu đối đầu lộ liễu.
Sáu là, thể thức đồ hình của võ ta không có khuôn thức bó buộc, thiên năng , thiên biến.
Ở đây, chúng ta thấy võ ta và một số dòng võ chính của người Trung Quốc, nói chung có hai điểm khác nhau cơ bản : Đó là thể chất và ý tưởng. Một đằng là lối chơi của người nhỏ bé, không thể khuếch trương – lấy cái thực lực của kẻ yếu làm chính, nên thậm chí nhiều khi không có lề luật. Còn một đằng là lối chơi của kẻ mạnh, cơ thể to lớn có phép tắc , có lề luật, với một hệ thống bài tập quy củ, có khuôn mẫu nhiều năm. Tất nhiên, dưới giá của cái chết chẳng có quy tắc nào tồn tại với kẻ thắng, thua.
Từ những điểm khác nhau căn bản đó, tôi càng nhận thấy võ ta thường mang tính khắc chế, tìm cách chống lại chứ không chủ công, nên các bài quyền và phương pháp tập luyện thường tập trung nhằm cho một mục đích cụ thể xem như lẽ sống còn. Hơn thế nữa, với nguồn sống chính là trồng trọt và tiểu chăn nuôi, sinh tụ chủ yếu trên các vùng ô trũng, với nét tư duy nguyên thuỷ thờ thần mặt trời, cầu mong sự phồn thực… cũng tạo cho đời sống tinh thần của người Việt ở làng, xã khá ổn định, ít có nhu cầu đổi thay, không có sự thù hằn sâu sắc và truyền kiếp về tôn giáo, về chủng tộc, luôn mong muốn quy tụ vào một mối, thích sống hoà bình với láng giềng. Nên mặc dầu là một nước có tinh thần thượng võ cao, võ công hiển hách nhiều, song trong đời sống thường ngày gần như không có cảnh chém giết liên miên. Họa hoằn mới có sự tranh giành ngôi thứ và vai trò giòng họ. Trong võ công toát lên tinh thần nhân ái . Chình vì vậy, mà đòn công của võ ta thường ít hơn đòn thủ, mà thủ căn bản vẫn là đòn khắc chế, ít sát phạt.
Quay lại những vấn đề căn bản về Quyền, để dễ hiểu tôi xin trình bày dưới góc độ phân tích, nhưng trước hết tôi xin dẫn chứng thêm một khái niệm cụ thẻ như sau:
“Quyền là một tổ hợp bao gồm tất cả các động tác, hành động của cá nhân được thể hoá theo một trật tự nhất định có giới hạn; giúp người tập luyện có bản lĩnh ứng xử, phản xạ tay chân linh hoạt… có sức chịu đựng, thể lực , tốc độ với kiểu thức hoạt động đặc trưng thiên về hướng bảo vệ mình, chế ngự đối phương bằng kỹ thuật của các bộ phận của cơ thể “.
Như vậy đòn thế, thân pháp… căn bản của Quyền là những kỹ thuật quan trọng nhất mà bất cứ người học võ nào cũng cần phải nắm vững để thực hiện phối hợp chiến thuật một cách thuận lợi. Sự vận dụng kỹ thuật tuỳ theo yêu cầu của trận đấu, tuỳ theo trạng thái tâm lý khi thi đấu, tuỳ theo bản lĩnh và khả năng của các đấu thủ và cả ngay chính tác động tích cực, hay không tích cực của người xem .
Ngô Xuân Bính